Tuyển tập Văn mẫu lớp 10 – Thủ thuật

>> Tải toàn bộ văn mẫu lớp 10 tại đây

Tổng hợp những bài văn mẫu lớp 10 được trình bày đầy đủ và chi tiết, bao gồm toàn bộ những bài văn hay với đầy đủ các phần có trong ngữ văn lớp 10 từ văn thuyết minh, nghị luận, phân tích, văn biểu cảm, phát biểu cảm nghĩ về một tác phẩm văn học hay rất nhiều những bài văn mẫu hay khác được cập nhật. Trong tuyển tập những bài văn hay lớp 10 các em học sinh có thể dễ dàng hơn cho việc làm văn của mình cũng như nắm bắt được cấu trúc và hình thức của một bài viết văn sao cho hay và hợp lý nhất.

van mau lop 10

Tổng hợp các bài văn mẫu lớp 10 hay nhất

Tài liệu Văn mẫu lớp 10

1. Cảm nghĩ về ngày đầu tiên bước chân vào trường THPT.

Tháng năm học trò trôi đi êm ảHáo hức đón hè, chờ đợi tiếng veTa cũng biết bằng lăng máu tímVà nghĩ rằng phượng vĩ khóc nhèThời gian qua chẳng nói với hàng meTa cũng vô tình lật từng trang vởKhi hoa gạo hết thời rực rỡTa chợt hiểu mình đánh mất thời gian( Chia tay – Nguyễn Phương Linh)

Không biết hai khổ thơ trên đã đi vào tâm trí tôi tự lúc nào mà mỗi lần chứng kiến học sinh lớp 10 nhập học tôi lại bang khuâng nhớ về mình của 2 năm trước đây. Cảm xúc của ai cũng vậy, khi đứng trước cánh cổng trường, ai cũng cảm thấy trăn trở, lo lắng cho những gì sắp đến.

Chắc hẳn trong mỗi chúng ta, ai cũng sẽ có riêng cho mình những khoảnh khắc khó quên của cuộc đời. Và đối với tôi cũng vậy, những ngày tháng chia tay với mái trường cũ để bước vào ngôi trường mới – một cánh cửa mới của cuộc đời thật sự là giây phút khó quên.

Chia tay với chiếc khăn quàng đỏ, với ngôi trường THCS, ngưỡng cửa trường THPT đã đến, một cảm giác bồi hồi, mới lạ tràn về trong tôi: Tôi ngỡ như mình được trở về với những ngày đầu bước vào lớp 1, ngỡ như những ngày đầu bước vào cánh cổng trường THCS. Cái cảm giác ấy vẫn khó tả như ngày nào!

Tháng 8 – tháng giao mùa từ cuối hạ đến đầu thu – tháng mà những chùm phượng vĩ chỉ còn thưa thớt vài nhánh nở muộn và cũng là tháng đầu tiên tôi bước vào trường THPT với những bài học đầu tiên.

Cánh cửa THPT đã mở ra sau ba tháng hè ôn luyện. Nơi đây với tôi xa lạ hoàn toàn. Mọi thứ quả thật đều rất mới từ quang cảnh, ngôi trường và cả những con người: trường mới, bạn mới, thày cô mới, cách học mới và cả một môi trường mới, thế nhưng tất cả lại lưu lại cho tôi những kí ức đẹp về buổi đầu. Tôi sẽ phải thích nghi dần, làm quen dần vì ba năm ở đây gần như sẽ quyết định cuộc đời tôi. Đây sẽ là quãng đường thật sự gian nan thử thách.

Ngày đầu tiên đến trường đó là một ngày nắng ấm, khí trời dìu dịu êm ái, theo sự thông báo của nhà trường tôi đã chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Nhưng trong lòng tôi vẫn cứ xôn xao một cảm xúc khó tả. Bởi trước mắt tôi lúc này là một khung trời mới.Trong những năm học trước, sau ba tháng hè nghỉ học, chúng tôi lại trở về mái trường thân quen với những hàng cây, ghế đá,… in đậm bao kỉ niệm của những lần nô đùa cùng bè bạn. Còn năm nay, tôi đã bước chân vào ngưỡng cửa trường THPT- một chân trời hoàn toàn mới lạ. Ngôi trường tôi học năm nay rất khang trang với không gian thoáng đãng. Từ cổng trường dẫn vào các dãy nhà ba tầng uy nghi là con đường trải bê tông nhẵn nhụi. Nào là hàng cây, cột cờ, phòng học,… thu vào tầm mắt tôi khiến lòng tôi dấy lên bao cảm xúc ngỡ ngàng và vui sướng.

Sau đó, chúng tôi được phân công về các lớp. Tôi thầm ước sao mình có thể học cùng với các bạn cũ. Nhưng trong lớp tôi hoàn toàn là những người bạn xa lạ. “Nhưng dần dần mình cũng sẽ quen với các bạn ấy thôi”- tôi tự an ủi mình như thế. Sau mấy phút bỡ ngỡ, tôi thấy cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp. Hình ảnh của cô làm tôi nhớ về cô giáo chủ nhiệm hồi lớp 9. Vẫn dàng người thon thả, đôi mắt hiền từ. Chính hình ảnh đó của cô đã làm cho tôi phần nào bớt đi sự lo lắng. Những lời đầu tiên cô nói là những lời dạy bảo ân cần về ý thức trách nhiềm đối với bản thân, với trường, với lớp trong học tập cũng như rèn luyện trong những năm học THPT. Đó là bài học đầu tiên tôi nhận được ở ngôi trường mới này.

cam nghi ve ngay dau tien buoc chan vao truong thpt

Những bài văn mẫu lớp 10 tuyển chọn

Ấn tượng nhất trong lòng tôi là ngày khai giảng. Trong trang phục áo trắng quần sẫm màu, tôi ra dáng là một nữ sinh THPT thực sự. Tôi cảm thấy mình như người lớn hẳn lên. Tiếng trống trường do thày hiệu trưởng gióng lên như vội vã thúc giục chúng tôi học thật tốt. Tôi biết từ lúc đó tôi đã chính thức hòa nhập vào môi trường mới.

Trước đây khi còn nhỏ, tôi đã từng mơ ước được trở thành học sinh THPT, giờ đây ước mơ ấy đã thành hiện thực. Được mặc đồng phục mới mà trước đây tôi chưa từng mặc, ngồi gần những người bạn mới mà trướcđây tôi chưa từng quen và học những thày cô giáo mà bây giờ tôi mới biết đến. Khi giấc mơ bé nhỏ đã thành hiện thực thì trong tôi lại nhen nhóm, ấp ủ những ước mơ hoài bão lớn hơn (tốt nghiệp THPT, thi đỗ đại học …). Những cảm xúc khó tả lại trào dâng xen lẫn niềm vui nhưng hòa vào đó là nỗi nhớ. Vui vì tôi đã như trưởng thành hơn và biết thêm được nhiều điều mới mẻ từ những bài học mới, thày cô mới, những người bạn mới…. Những hình ảnh thày cũ, trường xưa cứ dâng trào trong tôi, và cả những lời khuyên, những lời chúc chân thành của mọi người dành cho tôi vào ngày thi THPT.

Nhưng thời gian có bao giờ dừng lại, nó sẽ lặng lẽ trôi, trôi mãi không bao giờ ngừng. Và tôi sẽ phải cố gắng để nắm giữ từng giây từng phút ấy. Phải biết tận dụng quãng thời gian 3 năm tuy ít ỏi nhưng vô cùng quan trọng để phấn đấu. Được học trong một ngôi trường THPT có bề dày truyền thống và thành tích, bản thân tôi có biết bao niềm vui sướng và tự hào xen lẫn cả nỗi lo lắng. Nhưng điều quan trọng đối với tôi lúc này là tôi hứa sẽ quyết tâm học tập và rèn luyện tốt sao cho xứng đáng với truyền thống của nhà trường.

Ngôi trường này- Trường THPT Trần Hưng Đạo – là nơi tôi chỉ “dừng chân” lại ba năm học- ba năm tuy không phải là quãng thời gian dài nhưng cũng đủ để chúng tôi lưu giữ những kỉ niệm đẹp về ngôi trường này, về những người bạn và thày cô nơi đây. Và có lẽ sẽ không bao giờ tôi quên được những ngày này- những ngày đầu tiên tôi bước vào trường THPT Trần Hưng Đạo- những ngày giữa tháng 8 êm dịu.

2. Kể lại chuyện sau khi tự tử ở giếng Loa Thành, xuống thuỷ cung, Trọng Thuỷ đã tìm gặp lại Mị Châu.

Trọng Thủy tỉnh dậy thì bàng hoàng nhận ra mình đang ở giữa mênh mông biển nước. Những tầng san hô cứ liên tiếp nối nhau làm che khuất tầm nhìn. Xung quanh chàng lúc ấy chỉ có nước và những đàn cá tung tăng bơi lội.

Trọng Thủy vẫn còn ngơ ngác. Chàng dấn bước đi miễn cưỡng và không phương hướng. Thế nhưng vừa ra khỏi đám san hô, Trọng Thủy đã bị bốn năm hình nhân quái lạ mình người đầu tôm cá từ đâu kéo đến trói chặt đưa đi. Trọng Thủy được đưa đến một cung điện nguy nga lộng lẫy, cái mà chàng chưa bao giờ gặp ở trên trần. Những ngôi nhà tráng lệ sáng trưng màu ngọc, có đầy đủ lính canh và người hầu ra vào tấp nập. Qua bốn năm lần cửa canh như thế, Trọng Thủy bị bắt vào quỳ ở trong đại điện. Một tên lính trong nhóm người kia cũng quỳ xuống và thưa:

– Thưa công chúa! Bọn thuộc hạ bắt được tên này ở ngoài cổng điện. Xem chừng hắn đến đây có ý gian tà, xin công chúa đưa ra xét tội.Người ngồi trên kia lên tiếng. Trọng Thủy nghe thấy quen quen nhưng mặt người kia bịt kín nên chàng không nhìn rõ.- Này, anh kia! Anh từ đâu tới mà lại lạc đến đây?- Dạ, bẩm! Tôi người trần, vì ngờ người tình đang ở trong giếng nước nên mới lao mình xuống giếng rồi bị lạc đến nơi đây.- Vậy anh tên gì?- Tôi là Trọng Thủy, là con trai của Triệu Đà Vương.- Ta nghe nói ở trên trần, ngươi gây ra nhiều tội ác cho nhân dân Âu Lạc, khiến họ vô cùng oán thán. Điều đó có đúng hay không?

Trọng Thủy vô cùng ngạc nhiên. Không ngờ một người hoàn toàn xa lạ lại biết ngọn ngành mọi chuyện của mình. Biết là không thể chối, Trọng Thủy bèn viện lý do:

– Thực tình tôi cũng là làm theo ý của vua cha.

viet tiep truyen an duong vuong va mi chau trong thuy

Tuyển tập những bài văn mẫu lớp 10 giúp các em củng cố kiến thức bài học

– Nhà ngươi lại còn định chối tội hay sao? Người ngồi trên điện kia nổi nóng. Nhà ngươi giả vờ sang cầu hòa Âu Lạc, xin cưới công chúa Mị Châu để chờ cơ hội trộm nỏ thần đã là một tội. Tàn bạo hơn, ngươi lại cho quân lính sang giày xéo bờ cõi nước Nam làm cho muôn dân kêu gào trong đau khổ. Không những thế, nhà ngươi còn nhẫn tâm bức chết vua Âu Lạc, bức chết người vợ thủy chung mà ngây thơ dại dột của mình. Với bằng ấy tội danh nhà ngươi còn muốn đổ lỗi cho ai?

Trọng Thủy tái mặt, không biết người ngồi trên điện là ai. Nhưng sợ quá, chàng cúi đầu nhận tội:- Thưa công chúa! Tôi biết mình mang tội lớn nhưng tôi một lòng yêu quý Mị Châu, ngày đêm mong ngóng được gặp nàng để tỏ bày nỗi lòng ân hận.- Bây giờ nhà ngươi mới hối hận thì có giải quyết được gì đâu?- Tôi biết vậy. Nhưng ngày xưa, Mị Châu vì rất yêu thương tôi mà nghe tôi tất cả. Tôi yêu thương nàng thật tôi đã lừa dối trái tim trong trắng của nàng nên tôi day dứt lắm. Đến khi nàng mất đi tôi mới biết dù có là vua Âu Lạc nhưng nếu mất Mị Châu, cuộc sống của tôi cũng chẳng có ý nghĩa gì. Tôi rất muốn gặp nàng để ít nhất được nói với nàng sự hối hận của tôi.- Trọng Thủy! Chàng hãy ngẩng mặt lên và nhìn xem thiếp là ai?- Nàng là… Mị Châu!- Vâng thiếp đúng là Mị Châu. Sau khi thiếp chết đi, vua Thủy Tề đã rất thương tình mà nhận thiếp làm con gái. Vì thế thiếp mới được ở nơi đây.- Mị Châu! Ta xin lỗi nàng. Vì ta mà nàng phải chịu bao đau khổ. Bây lâu nay ta chỉ ước được gặp nàng. Ta sẵn sàng bỏ đi tất cả để được cùng nàng sống trong hạnh phúc. Hãy tha thứ cho ta.- Thiếp mừng vì chàng đã nhận ra lầm lỗi. Nhưng chúng ta không thể sống với nhau. Nếu làm như vậy, người đời sẽ nhạo báng chúng ta mãi mãi. Không được sống với nhau coi như cũng là một sự trừng phạt xứng đáng với những lỗi lầm quá lớn của chúng ta ở trên hạ giới. Thiếp đã đợi ngày này từ rất lâu rồi và chỉ để được nói với chàng một câu thôi: hãy sống sao cho tốt trong những ngày sắp tới để bù đắp cho những gì mà chúng ta đã gây ra.

Mị Châu vừa nói dứt câu thì cả cung điện nguy nga bỗng biến ngay đâu mất. Xung quanh vắng lặng chỉ còn trơ lại một mình Trọng Thủy. Chàng ân hận mà lặng câm không nói được. Vết nhơ mà chàng đã gây ra có lẽ chỉ có nước biển Đông xô dạt ngàn đời mới mong xóa được.Trọng Thủy cứ ngồi đó hàng chục ngày đêm. Và rồi không biết tự bao giờ. Chàng đã hóa thành người đá. Sau này hàng mấy trăm năm, có người lặn xuống biển Đông mò ngọc quý vẫn còn nhìn thấy một tảng đá hình người âu sầu khổ não đang dang hai cánh tay ra như cầu xin ai đó một điều gì.

3. Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) quê ở làng Trưng Âm, xã Lí Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng, ông đỗ Trạng nguyên năm 1535 và ra làm quan dưới triều nhà Mạc. Ông đã để lại cho đời tập thơ chữ Hán Bạch Vân am thi tập (khoảng 700 bài) và tập thơ chữ Nôm Bạch Vân quốc ngữ thi (khoảng trên 170 bài). Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm mang đậm chất triết lí, giáo huấn, ca ngợi ý chí thành cao của kẻ sĩ và biểu dương quan niệm sống nhàn, đồng thời phê phán những điều xấu xa trong xã hội đương thời.

Nhàn là bài thơ Nôm nằm trong tập Bạch Vân quốc ngữ thi. Nhan đề bài thơ là do người đời sau đặt. Bài thơ như lời tâm sự thâm trầm, sâu sắc, khẳng định quan niệm sống nhàn là hòa hợp với tự nhiên, giữ được cốt cách thanh cao, khí tiết cương trực, vượt lên trên những danh lợi tầm thường.

Hai câu thơ đầu phản ánh cuộc sống nhàn nhã, ung dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm:

Một mai, một cuốc, một cần câu,Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

Quan Trạng về sống giữa chốn thôn quê nay đã giống như một “lão nông tri điền”, hằng ngày làm bạn với những công cụ lao động như mai để đào đất, cuốc để xới đất, cần câu để câu cá,.;., Cách dùng số từ tính đếm rành rọt cho thấy tất cả đã trở nên gần gũi, quen thuộc trong cuộc sống của ông.

Câu thơ đưa ta trở về với cuộc sống chất phác đơn sơ của cái thời “tạc tỉnh canh điền ” (đào giếng lấy nước uống, cày ruộng lấy cơm ăn) xa xưa. Quan Trạng đang áo mũ xênh xang, chức lớn, bổng lộc nhiều, ấy vậy mà bỗng dưng rũ bỏ tất cả để trở về với đời sống “tự cung tự cấp” thì cũng đã là: một sự ngông ngạo trước thói đời hám danh, hám lợi. Ngông ngạo mà không ngang tàng, cứ thuần hậu, nguyên thủy, chân chất nông dân:

Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.

phan tich bai tho nhan cua nguyen binh khiem

Bài văn Phân tích bài thơ Nhàn – Văn mẫu lớp 10 tuyển chọn

Hai chữ Thơ thẩn phản ánh một cách tài tình phong cách ung dung và tâm trạng thảnh thơi của con người tự cho mình là đã xa lánh cõi trần tục đầy tham, sân, si; trong lòng không còn vướng bận những âm mưu, toan tính bon chen. Niềm vui như hiện lên trong từng bước đi thong thả, nhàn nhã. Niềm vui chi phối cả âm điệu bài thơ, cứ nhẹ nhàng, lâng lâng, thanh thản một cách lạ kì. Cụm từ dầu ai vui thú nào còn nói lên lập trường kiên định của nhà thơ trước lối sống đã lựa chọn. Chữ ai vốn là một đại từ phiếm chỉ, được tác giả sử dụng trong câu thơ này với một nghĩa rất rộng, càng suy ngẫm càng thấy thú vị.

Đọc thêm:  Tạo và chạy ứng dụng | Android Studio

Nguyên Bỉnh Khiêm cáo quan, trở về quê nhà tức là trở về với thiên nhiên. Sống hòa hợp với thiên nhiên có nghĩa là đã thoát khỏi vòng tranh đua của thói tục, không còn bị cuốn hút bởi tiền tài, địa vị, để tâm hồn được an nhiên, khoáng đạt:

Ta dại, ta tìm nơi vắng vè,Người khôn, người đến chốn lao xao.

Nhân cách thanh cao Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lập với danh lợi như nước với lửa. Vắng vẻ đối lập với lao xao, ta đối lập với người. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên, khác xa chốn quan trường hiểm hóc vinh liền nhục. Nơi vắng vẻ là nơi không có chuyện cầu cạnh, bon chen. Nơi vắng vẻ là nơi thiên nhiên tươi xanh, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn. Chốn lao xao là chốn cửa quyền trống giong cờ mở, là đường hoạn lộ tấp nập ngựa xe… Đến chốn lao xao là đến chốn chợ lợi đường danh huyên náo, nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, để vinh thân phì gia. Đây là nơi có nhiều nguy hiểm khôn tường.

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là một bậc thức giả có trí tuệ vô cùng sáng suốt. Sáng suốt trong sự chọn lựa: Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ, mặc cho: Người khôn, người đến chốn lao xao. Sáng suốt trong cách nói đùa vui hóm hỉnh, ngược nghĩa: dại mà thực chất là khôn, còn khôn mà hóa dại.

Ở một bài thơ khác, Nguyễn Bỉnh Khiêm viết:

Khôn mà hiểm độc là khôn dại,Dại vốn hiền lành ấy dại khôn.

(Thơ Nôm)

Như vậy là quan niệm dại, khôn của Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất phát từ trí tuệ, triết lí dân gian: Ở hiền gặp lành; ở ác gặp ác.

Cuộc sống của bậc đại nhân ở am Bạch Vân đạm bạc mà thanh cao biết mấy:

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Hai câu thơ tả cảnh sinh hoạt giản dị mà không kém phần thú vị nơi thôn dã với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Nhà thơ nói về chuyện sinh hoạt hằng ngày như chuyện ăn, chuyện tắm,… tuy cực kì đơn sơ nhưng thích thú ở chỗ mùa nào cũng sẵn, chẳng phải nhọc công tìm kiếm về mặt tinh thần, cuộc sống giản dị như thế cho phép con người được tự do, tự tại, không cần phải luồn cúi, cầu cạnh kẻ khác, không cần phải theo đuổi công danh, phú quý, không bị gò bó, ràng buộc vào bất cứ khuôn phép nào.

Những thức ăn quê mùa, dân dã như măng trúc, giá… đều là cây nhà lá vườn, do mình tự làm ra, là công sức của chính mình. Ăn đã vậy, còn ở, còn sinh hoạt? Quan Trạng giờ đây cũng tắm hồ sen, tắm áo như bao người dân quê khác.

Là bậc triết gia với trí tuệ uyên thâm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nắm vững lẽ biến dịch, hiểu thấu quy luật của Tạo hóa và của xã hội. Theo ông, cái khôn của bậc chính nhân quân tử là quay lưng lại với danh lợi, tìm sự thư thái cho tâm hồn, sống ung dung hòa hợp với thiên nhiên thuần khiết.

Nhãn quan tỏ tường và cái nhìn thông tuệ của nhà thơ thể hiện tập trung nhất ở hai câu thơ cuối. Nhà thơ tìm đến cái “say” là để “tỉnh” và ông tỉnh táo hơn bao giờ hết:

Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Quan Trạng khẳng định một lần nữa sự lựa chọn lối sống nhàn của mình. Cuộc sống nhàn dật này là kết quả của một nhân cách, một trí tuệ khác thường. Trí tuệ sáng suốt nhận ra rằng công danh, của cải, quyền quý chỉ tựa chiêm bao. Trí tuệ nâng cao nhân cách, làm cho lập trường thêm kiên định để nhà thơ có đủ quyết tâm từ bỏ chốn quan trường lao xao danh lợi, tìm đến nơi thiên nhiên vắng vẻ mà trong sạch, thanh cao để di dưỡng tinh thần, giữ vững hai chữ thiện lương.

Nhàn là chủ đề rất phổ biến trong thơ văn thời trung đại. Nhàn là một nét tư tưởng và văn hóa rất sâu sắc của người xưa, đặc biệt là của tầng lớp trí thức. Sống nhàn hợp với tự nhiên, hợp với việc tu dưỡng nhân cách, có điều kiện dưỡng sinh, kéo dài tuổi thọ. Sống nhàn đem lại những thú vui lành mạnh cho con người, Biết sống nhàn, biết tìm thú nhàn là cả một học thuyết triết học lớn.

Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải nhằm mục đích trốn tránh vất vả, cực nhọc về thể chất, quay lưng với xã hội, chỉ lo cho cuộc sống nhàn tản của bản thân, ông cho rằng sống nhàn là xa lánh nơi quyền quý, danh lợi mà ông gọi là chốn lao xao. Nhàn là sống hoà hợp với tự nhiên, về với tự nhiên để tu tâm dưỡng tính. Nguyễn Bĩnh Khiêm nhàn thân mà không nhàn tâm, lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm thương nước lo dân. Đặt trong hoàn cảnh xã hội phong kiến đương thời đã có những biểu hiện suy vi về đạo đức thì quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm mang nhiều yếu tố tích cực.

Chân dung Nguyễn Bỉnh Khiêm thể hiện khá rõ nét qua bài thơ nhàn. Từ bức chân dung giản dị, mộc mạc ấy toát lên vẻ đẹp nhân cách caơ quý, vẻ đẹp trí tuệ tuyệt vời của bậc đại Nho mà tên tuổi lưu danh muôn thuở.

4. Kể lại 1 kỷ niệm sâu sắc nhất về gia đình, bạn bè, người thân, thầy cô.

Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có cho riêng mình một quá khứ, và quá khứ sẽ đầy ắp những kỉ niệm khó quên. Đó có thể là kỉ niệm cùng bạn bè, đó có thể là kỉ niệm bên thầy cô và còn có những kỉ niệm bên gia đình, những người thân yêu ruột thịt của mình. Tôi cũng có rất nhiều kỉ niệm, đặc biệt, một kỉ niệm đầy sâu sắc với tôi là ngày cùng anh Hai đi thi đại học.

Anh Hai tôi là một người trầm tính, ít nói, anh học không quá giỏi nhưng bù lại là sự chăm chỉ, cần cù. Năm đó, anh lên 12 và dự thi tốt nghiệp, sau đó anh đăng ký thi vào hai trường là Đại học Ngoại ngữ Huế và Đại học Bách Khoa Đà Nẵng. Những ngày tháng miệt mài bên sách vở cùng với áp lực của việc thi cử khiến anh tôi gầy hẳn. Vì bố mẹ phải đi làm kiếm tiền hàng ngày, tôi thì còn nhỏ cũng chẳng giúp được việc gì to lớn, anh phải một mình dọn dẹp rồi chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, lúc rảnh rỗi mới có thời gian học. Mỗi tối, anh Hai thức khuya học bài đến 2 giờ sáng mới đi ngủ. Tôi rất khâm phục sự kiên trì và cố gắng đó của anh và xem anh như một thần tượng của mình vậy…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết văn mẫu Em hãy kể lại 1 kỷ niệm sâu sắc nhất về gia đình, bạn bè, người thân, thầy cô .

5. Kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu – Trọng Thuỷ.

An Dương Vương là vua nước Âu Lạc, tên húy là Thục Phán. Ông cho xây dựng thành trì ở Việt Thường, nhưng mãi mà vẫn không xong. An Dương Vương bèn lập đàn tế lễ, cầu thánh thần giúp đỡ, không lâu sau thấy xuất hiện một cụ già từ phương đông tới. Người này nói rằng sẽ có sứ Thanh Giang đến giúp nhà vua xây thành. Quả nhiên, hôm sau vua ra của đông chờ đợi, thì thấy một con Rùa Vàng biết nói, tự xưng là sứ Thanh Giang. Vua vội rước về thành. Nhà vua hỏi chuyện xây thành mãi không xong, Rùa Vàng bảo có yêu quái hoành hành, phải tiêu diệt thì thành mới xây được, sau đó đó Rùa Vàng giúp An Dương Vương tiêu diệt yêu quái và xây thành.

Chỉ có hơn nửa tháng mà tòa thành nguy nga, cao hơn ngàn trượng đã xong xuôi, nó như hình trôn ốc nên người ta quen gọi là Loa thành, ngoài ra còn có tên là Côn Lôn thành hay Qủy Long Thành. Sau ba năm Rùa Vàng từ biệt nhà vua để trở phục mệnh. Trước khi đi Rùa Vàng để lại cho An Dương Vương chiếc vuốt của mình, dặn rằng lấy đó làm lẫy nỏ, ngộ nhỡ có quân xâm lược thì cứ lấy ra mà bắn, ắt đẩy lùi được. Vài năm sau, Triệu Vương là Triệu Đà đem quân sang xâm lược, nhà vua lấy nỏ thần ra bắn, quân giặc thua thảm hại, đành rút quân và xin hòa.

Tuy nhiên Triệu Đà vốn gian xảo, hắn cho con trai là Trọng Thủy cầu hôn Mị Châu. An Dương Vương thấy không có gì phải đề phòng nên đồng ý, hơn nữa còn cho Trọng Thủy được ở rể, mà không biết đó là nội gián của giặc…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết bài mẫu Hóa thân thành An Dương Vương kể lại Truyện An Dương Vương và Mị Châu, Trọng Thuỷ.

Bên cạnh đó các em có thể tham khảo thêm rất nhiều bài văn hay lớp 10 theo tác phẩm và thể loại khác tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

6. Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

Nguyễn Dữ là tác giả nổi tiếng của văn học trung đại Việt Nam. Tên tuổi của ông gắn liền với danh tiếng của bộ truyện “Truyền kỳ mạn lục”, tác phẩm được đánh giá là “thiên cổ kỳ bút” của nền văn học nước nhà. Tác phẩm được viết bằng chữ Hán, gồm 20 truyện, ra đời vào nửa đầu thế kỉ XVI, ghi chép lại những câu chuyên lạ trong dân gian. Tác phẩm thực sự là một sáng tác văn học với sự gia công, hư cấu, sáng tạo, trau chuốt, gọt giũa của Nguyễn Dữ chứ ko phải chỉ là một công trình ghi chép đơn thuần. Bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng một bút pháp linh hoạt, tác giả Truyền kỳ mạn lục đưa người đọc vào một thế giới huyền bí vừa có người, vừa có thần, vừa hư, vừa thật nhưng xuyên qua các lớp mù linh ảo, ly kỳ được thêu dệt ra một cách tài giỏi ấy vẫn hiện rõ một thế giới thật của cuộc đời mà ở đó nhan nhản những kẻ có quyền thế độc ác, tham lam. Tuy nhiên, bên cạnh sự tung hoành của cái xấu cái ác, Nguyễn Dữ vẫn nhìn thấy những phẩm cách lương thiện, trung thực, những tâm hồn thanh cao, tình người, tình yêu của nhân dân, của cái thiện vĩnh hằng và ông đã mô tả nó thật đẹp đẽ, mỹ lệ. Trong số đó có tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên ” đã đề cao tinh thần khẳng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác, trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn; đồng thời thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.

Nhân vật chính của tác phẩm “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên” xuất hiện ngay từ đầu truyện bằng mấy dòng giới thiệu trực tiếp ngắn gọn về tên họ, quê quán, tính tình, phẩm chất. Ngô Tử Văn được giới thiệu là người tính tình cương trực, thẳng thắn, khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được. Lời giới thiệu mang giọng ngợi khen, có tác dụng định hướng cho người đọc về hành động kiên quyết của nhân vật này. Ở làng Tử Văn sống có một ngôi của tên tướng giặc chết trận làm yêu làm quái trong dân gian. Trước sự việc ngôi đền bị uế tạp và yêu quái có thể làm hại dân, “Tử Văn rất tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời rồi châm lửa đốt đền”. Trong khi mọi người đều lắc đầu, lè lưỡi, không dám làm gì quỷ thần ở ngôi đền quấy hại nhân dân thì Tử Văn cương quyết, công khai, đường hoàng, ung dung hành động. Chàng đã dám làm việc mà mọi người đều kính sợ, không ai dám làm, đó là đốt đền.

Theo quan niệm của dân gian, đốt đền là một chuyện động trời, là động đến thần thánh. Tử Văn cũng biết đều đó nhưng chàng không sợ. Hành động của Tử Văn xuất phát từ tính cách “vốn ghét sự gian tà” của chàng. Sự khắng khái, bộc trực của Tử Văn đã dẫn đến một hành động dũng cảm vì dân trừ hại. Sự tức giận của Tử Văn không phải là sự tức giận cho riêng mình mà là sự tức giận cho mọi người dân đang bị yêu quái quấy nhiễu. Vì thế mà việc làm đốt đền của Tử Văn là đáng ca ngợi. Hành động đó xuất phát từ ý‎ muốn diệt trừ yêu ma, trừ hại cho dân, từ lòng tự tin vào chính nghĩa của Ngô Tử Văn, chứng tỏ cốt cách khảng khái của kẻ sĩ. Và đó cũng là hành động châm ngòi nổ cho một cuộc chiến giữa chàng và hồn ma tên tướng giặc bại trận.

phan tich nhan vat ngo tu van

Bài văn Phân tích nhân vật Ngô Tử Văn- Văn mẫu lớp 10

Sự cương trực, khảng khái của Ngô Tử Văn còn bộc lộ rõ qua thái độ của chàng với hồn ma tên tướng giặc. Nguyễn Dữ thật tài tình khi tạo ra hai hình tượng đối lập: một bên là sự ngay thẳng của Tử Văn còn kia là sự gian trá, xảo quyệt của viên Bách hộ họ Thôi, một tên tướng giặc bại trận phải bỏ thân nơi đất khách. Không nơi nương tựa, không người cúng tế, hồn ma lưu vong của tên tướng giặc đã cướp ngôi đền của Thổ thần lại còn tác oai tác quái, gây hoạ cho dân lành. Hắn còn xảo trá tới mức đút lót, doạ nạt những thần xung quanh. Khi Tử Văn đốt đền, hắn dùng lí lẽ đạo Nho để buộc tội, lấy oai linh quỷ thần để doạ nạt. Tử Văn không sợ thì hắn xuống tận Diêm Vương để cầu cứu. Tướng giặc khi sống là kẻ xâm lược nước ta, tàn hại dân ta, khi chết rồi vẫn quen thói ỷ mạnh hiếp yếu, bắt nạt mọi người. Hắn bị Tử Văn đốt đền là đáng đời nhưng lại hiện hình, xảo quyệt làm như mình là kẻ bị hại, dùng tà phép khiến cho chàng bị sốt nóng sốt rét, đầu lảo đảo. Hồn ma tướng giặc buông lời mắng mỏ, đe dọa, quyết kiện Tử Văn xuống tận Diêm Vương. Trước sự ngang ngược trắng trợn, quyền phép đáng sợ của hồn ma tướng giặc, Ngô Tử Văn vẫn điềm nhiên, không hề run sợ mà tự tin, không coi những lới đe dọa ra gì, thậm chí chẳng thèm tiếp lời hồn ma tướng giặc. Thái độ ấy thể hiện một khí phách cứng cỏi, một niềm tin mạnh mẽ vào chính nghĩa, sự đúng đắn trong hành động của Ngô Tử Văn.

Tuyên chiến với một kẻ thù đầy sức mạnh hiểm ác, lúc đầu Tử Văn “đơn thân độc mã”, nhưng chàng tin vào việc làm và sức mạnh chính nghĩa của mình. Hành động “vẫn cứ ngồi ngất ngưởng tự nhiên” của Tử Văn trước lời đe dọa của tướng giặc không phải là hành động bất cẩn của kẻ liều mà là hành động tự tin của người nắm được chính nghĩa trong tay. Mặt khác, bản lĩnh của chàng còn thể hiện qua thái độ biết ơn lời chỉ dẫn của thổ thần nước Việt. Do Tử Văn dũng cảm, trừ hại cho dân nên thần linh mới phù trợ giúp đỡ chàng. Câu hỏi của Tử Văn với Thổ Công: “Hắn có thực là tay hung hãn có thể gieo vạ cho tôi không?” không phải là câu hỏi của kẻ hoang mang lo sợ mà là câu hỏi của người muốn “biết địch biết ta” để giành lấy thắng lợi.Trong cuộc chiến đấu, Tử Văn có được sự trợ giúp của Thổ Thần, nhưng với một người bị đánh đuổi khỏi nơi ở của mình, không dám đấu tranh, “phải đến nương tựa đền Tản Viên”,”phải tạm ẩn nhẫn mà ngồi xó một nơi” thì Tử Văn có thể đặt hết niềm tin hay không? Cho nên, về cơ bản thì Tử Văn không hề có âm phù, dương trợ. Trong khi đó cuộc đấu tranh của chàng ngày càng gay go quyết liệt.

Đọc thêm:  5 câu kể những điều em biết về đất nước và con người Việt Nam

Tính cách kiên định chính nghĩa của Ngô Soạn còn thể hiện rõ trong quá trình chàng bị lôi xuống địa phủ. Tình thế của chàng ngày càng nguy hiểm.Hồn ma tên tướng giặc áp giải chàng xuống âm phủ,hắn quyết bẻ gãy ý chí của chàng trước mặt Diêm Vương để giành phần thắng về mình. Cảnh địa phủ rùng rợn với quỷ sứ hung ác, con sông đầy gió tanh sóng xám. Tử Văn bị bọn quỷ sai lôi đi rất nhanh, bị phán xét lạnh lùng là kẻ “tội sâu ác nặng, không được liệt vào hàng khoan giảm”, bị kết thêm tội ngoan cố bướng bỉnh nhưng chàng chẳng hề run sợ, không hề nhụt chí, một mực kêu oan, đòi phải được phán xét công khai, minh bạch. Nhưng ở chốn thâm cung, chàng khẳng định điều này đâu phải là dễ. Khi đối diện trước Diêm vương uy nghiêm, Tử Văn đấu tranh vạch tội tên tướng giặc bằng những lí lẽ cứng cỏi, bằng chững không thể chối cãi, giọng điệu rất đanh thép vững vàng. Chàng đã bảo vệ lẽ phải mà bất chấp tính mạng của mình, không chịu khuất phục trước uy quyền, kiên quyết đấu tranh cho công lí và lẽ phải đến cùng.Nhưng do chỉ nghe một bên nguyên, Diêm Vương – vị quan tòa xử kiện, người cầm cán cân công lý cũng đã có lúc tỏ ra hồ đồ. Chính khi đứng trước pháp luật tử Văn càng tỏ rõ chàng là người có khí phách. Chàng không chỉ “kêu to”, khẳng định “Ngô Soạn này là kẻ ngay thẳng ở trần gian”, chàng còn dũng cảm vạch mặt tên bạo tướng gian tàn với lời lẽ rất “cứng cỏi, không chịu nhún nhường chút nào”. Giữa chốn công đường nơi âm phủ, tính cách Tử Văn vẫn là bộc trực, khảng khái, vẫn một quyết tâm sắt đá. Chàng chiến đấu đến cùng vì lẽ phải. Cứ từng bước, Ngô Tử Văn đã đánh lui tất cả sự phản công, kháng cự của kẻ thù, cuối cùng là đánh gục hoàn toàn tên tướng giặc gian manh xảo trá. Kết quả, chàng đã chiến thắng hồn ma gian tà của tên tướng giặc, bảo toàn được sự sống của mình. Chiến thắng ấy của Ngô Tử Văn có ‎ nghĩa vô cùng to lớn, đã trừng trị đích đáng hồn ma tướng giặc xảo trá, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, phục hồi chức vị cho thổ thần nước Việt, giải trừ tai họa cho nhân dân.

Sau khi được minh oan ở minh ti, Tử Văn trở về nhà chưa được một tháng thì Thổ công đến bảo Tử Văn nên nhậm chức phán sự ở đến Tản Viên. Thổ công nói: “người ta sống ở đời, xưa nay ai chẳng phải chết, miễn là chết đi còn được tiếng về sau” và khuyên Văn nên nhận. Thế là Văn vui vẻ nhận lời. Việc được nhận chức ở đền Tản Viên đã nói lên thắng lợi của chàng trong cuộc đấu tranh với tên hung thần xảo quyệt. Sự thắng lợi này đã khẳng định chàng là người tốt, chính nghĩa, dám đấu tranh để thực hiện công lí. Con người của chính nghĩa đã được đứng ra để thực hiện công lý là một thắng lợi có ý nghĩa sâu sắc, khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà.

Qua cuộc đấu tranh không khoan nhượng, chống lại cái ác, Ngô Tử Văn đã nổi bật lên là người chính trực, khảng khái, dũng cảm bảo vệ công lí đến cùng, là một kẻ sĩ cứng cỏi của nước Việt. Từ đó, tác giả Nguyễn Dữ đã khẳng định niềm tin chính nghĩa nhất định thắng gian tà, thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, bộc lộ quyết tâm đấu tranh triệt để với cái xấu cái ác. Chuyện chức phán sự đền Tản Viên Nguyễn Dữ đã kết hợp thành công yếu tố ảo và thực. câu chuyện diễn ra đầy tính chất li kì bởi sự xuất hiện của thế giới âm cung với những hồn ma, bóng quỷ với những việc khác thường: người chết đi sống lại từ dương gian xuống địa phủ, từ cõi âm lại vế cõi dương. Nhưng chuyện lại có vẻ như rất thực bởi cách dẫn ngưòi khác, dẫn việc cụ thể đến cả họ tên, quê quán và thời gian, địa điểm diễn ra sự việc. Yếu tố kì ảo giúp câu chuyện thêm phần li kì, hấp dẫn. yếu tố thực làm tăng tính xác thực, làm câu chuyện có ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Tóm lại, câu chuyện đề cao nhân vật Ngô Tử Văn – đại diện cho tầng lớp trí thức nước Việt: khảng khái, nhân cách cứng cỏi, cao đẹp, giàu tinh thần dân tộc, chuộng chính nghĩa, dũng cảm, cương trực, dám đấu tranh chống lai cái ác trừ hạ cho dân qua đó bộc lộ niềm tin vào công lí, vào việc chính thắng tà gian. Truyện thông qua cuộc đấu tranh của Ngô Tử Văn còn ngầm phản ánh thế giới thực của con người với đầy rẫy sự việc xấu xa như nạn ăn của đút, tham quan dung túng che dấu cho cái ác hoành hành, công lí bị che mắt. Truyện gây ấn tượng bằng một loạt những chi tiết kì ảo, cốt truyện giàu kịch tính, cách xây dựng nhân vật sắc nét, ngôn ngữ kể chuyện trau chuốt, súc tích.

7. Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua bài Cảnh ngày hè.

Nguyễn Trãi (1380 – 1442), vị anh hùng dân tộc, “tấm lòng sáng tựa sao Khuê” (lời vua Lê Thánh Tông) dù trong bất kì hoàn cảnh nào cũng không nguôi tâm nguyện hướng về dân về nước. Ngay cả khi bị nghi kị, phải lui về quê ngoại Côn Sơn, ông vẫn bộc bạch nỗi lòng tha thiết cháy bỏng trong cuộc sống tưởng như chỉ biết vui vầy cùng mây núi cỏ cây. Nỗi lòng ấy bộc lộ rõ nét trong chùm thơ 61 bài Bảo kính cảnh giới. Đặc biệt, bài thơ số 43 chan chứa bao khát vọng hướng đến cuộc đời, nhân dân.

Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) lấy những bài học từ thiên nhiên vĩ đại để nhà thơ soi chiếu lòng mình. Ta không chỉ gặp tấm lòng yêu thiên nhiên của một nghệ sĩ lớn mà còn thấu hiểu tâm sự của người anh hùng luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm “ưu quốc ái dân”. Suy ngẫm và cảm xúc của nhà thơ giúp chúng ta hình dung một nhân cách lớn.

Bài thơ bắt đầu bằng hoàn cảnh hưởng nhàn bất đắc dĩ:

Rồi hóng mát thuở ngày trường.

Nhịp thơ thật lạ lùng như kéo dài cảm giác của một ngày “ăn không ngồi rồi”: tạo điểm nhấn ở một nhịp đầu tiên, sau đó là năm chữ nối thành một hơi thơ như tiếng thở dài. Rõ ràng nhà thơ nói về việc hóng mát mà không hề đem lại cảm nhận nhàn tản thật sự. Hai chữ ngày trường lại hiện ra bao nỗi chán chường của một ngày dài vô vị. Hưởng nhàn mà không hề thư thái! Có thể đó sẽ là khởi nguồn cho bao nỗi bực dọc trút ra của con người bất đắc chí. Thế nhưng, tất cả tâm tư đã được nén lại khi nhà thơ đối diện với một thiên nhiên mành liệt đầy sức sống:

Hoè lục đùn đùn tán rợp giươngThạch lựu hiên còn phun thức đỏHồng liên trì đã tiễn mùi hương.

Ba câu thơ đem lại một bức tranh thiên nhiên nhiều màu sắc, cùng những hình ảnh đặc trưng của không gian mùa hè. Trước hết, đó là hoè buông sắc lục như một chiếc lọng khổng lồ bao trùm lên cảnh vật, tạo cảm giác về một không gian xanh. Cái nhìn thiên nhiên của Nguyễn Trải luôn có sức bao quát, vừa gợi sức sống của không gian trong động từ “đùn đùn” vừa gợi cảm giác phóng khoáng trong một chữ “rợp”. Tầm nhìn trải từ gần ra xa, theo quy luật đăng đối ở hai câu tả thực, khéo léo đan cài sắc đỏ của thạch lựu trước hiên nhà cùng sắc hồng của ao sen. Câu trên tả sắc, câu dưới gợi hương. Thiên nhiên ấy cũng chứa chan bao cảm xúc, lúc dịu nhẹ lan tòa lúc bừng bừng phun trào. Để rồi cuối cùng đọng lại cảm giác man mác tiếc nhớ làn hương thanh thoát của sen hồng lúc cuối hè. Phải là một người có tâm hồn tinh tế mới cùng một lúc diễn tả được nhiều cảm giác trong chỉ vài ba câu thơ cô đọng. Giữa khung cảnh thiên nhiên ấy, nhà thơ dường như cũng nguôi ngoai bao nỗi niềm bực dọc, để lòng mình hòa cùng thiên nhiên đầy sức sống.

Không chỉ nhìn bằng mắt mà Nguyễn Trãi còn trải lòng lắng nghe những thanh âm muôn vẻ của thiên nhiên:

Lao xao chợ cá làng ngư phủDắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.

Có một sự chuyển đổi cảm xúc trong cách lắng nghe những âm thanh của cuộc sống. Giờ đây, những thanh âm lại được cảm nhận từ xa đến gần, từ “lao xao” đến “dắng dỏi”. Thiên nhiên không hề tĩnh lặng u trầm trong thời điểm chiều buông mà trái lại rất sôi động và gần gũi với tấm lòng thiết tha yêu sự sống của nhà thơ. “Lao xao” là âm thanh gợi rõ cuộc sống thanh bình của những người dân chài, cảnh mua bán tấp nập mà khòng quá ồn ào để khuấy động không gian hương nhàn của nhà thơ. Dường như Nguyên Trãi đã chủ động hướng lòng mình về với chợ cá, làng ngư phủ để thấy bản thân không cách xa với đời thường. Âm vang cuộc sống thực ấy tạo thành mối dây liên hệ giữa nhà thơ với nhân dân, mang lại niềm vui xôn xao trong một buổi chiều để tạo cho nhà thơ nỗi buồn. Cấu trúc đăng đối đã tạo nên sự hòa điệu giữa con người với thiên nhiên trong sự cân xứng làng ngư phủ – bóng tịch dương mang đậm sắc thái trang trọng cổ điển. Nghệ thuật tương phản tạo nên một cảm hứng hết sức mới mẻ trong thơ Nguyễn Trãi khi ấn tượng ám ảnh nhà thơ không phải ánh tịch dương ảm đạm mà lại là âm thanh dắng dỏi cầm ve. Sự liên tưởng bất ngờ và độc đáo này đã chứng tỏ rõ phẩm chất nghệ sĩ của Nguyễn Trãi. Tiếng ve đặc trưng của mùa hè đến thơ Nguyễn Trãi lại như một bản đàn mạnh mẽ, rạo rực hối hả nhịp sống căng tràn của thiên nhiên. Bức tranh thiên nhiên sống động ấy đã hàm chứa một nội dung thông điệp thẩm mỹ đánh động tâm tư của nhà thơ. Bản thân ông có muốn lánh đời thoát tục, ngắm ánh tịch dương, giam mình trong lầu kín cũng không thể không nghe, không thấy bao vẻ đẹp thiên nhiên tươi tắn rộn rã xung quanh. Thiên nhiên ấy xôn xao hay chính tấm lòng của nhà thơ cũng đang náo nức muốn hòa cùng niềm vui sự sống? Cuộc sống của ông không phải của một ẩn sĩ lánh đời mà chính là phản chiếu của tâm hồn yêu đời thiết tha, vẫn đón nhận thưởng thức được niềm vui cuộc sống thanh bình để quên đi nỗi riêng tư sầu muộn.

ve dep tam hon nguyen trai trong canh ngay he

Bài văn mẫu Vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi trong Cảnh ngày hè, Văn mẫu lớp 10

Thiên nhiên đã đem lại một bài học lớn, lay thức khát vọng mãnh liệt muốn trở lại với đời của nhà thơ. Thiên nhiên ấy đã thổi bùng khát vọng của người anh hùng đầu bạc mà vẫn vẹn tấm lòng son:

Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếngDân giàu đủ khắp đòi phương

Còn gì giản dị, thanh cao, súc tích hơn những lời thơ mộc mạc chân thành ấy! Giữa thiên nhiên tuyệt đẹp, Nguyễn Trãi không hề mong muốn hưởng thụ thú nhàn tản cho riêng mình. Ông không phải con người chỉ chăm chăm giữ lấy sự trong sạch cho riêng mình theo triết lí nhà Nho “độc thiện kì thân”. Ở sâu thẳm tâm hồn ông vẫn là nỗi niềm “ưu quốc ái dân”, là khát khao hành động của một con người trọn đời vì lợi ích của nhân dân. Tinh thần Nguyễn Trãi vẫn không hề nhụt giảm, vẫn còn nung nấu hoài bão cống hiến cho đất nước thái bình thịnh trị như thời Đường Ngu – xã hội thịnh trị lí tưởng theo quan niệm nho gia. Giản dị thay và cũng cao cả thay sáu chữ đúc kết tấm lòng Nguyễn Trãi hướng về nhân dân. Quả thật, riêng ông trong hoàn cảnh bấy giờ có nhiều nỗi buồn, nhưng bản chất tâm hồn Nguyễn Trãi luôn “trong sáng và đầy sức sống” (lời cố thủ tuớng Phạm Văn Đồng). Tâm hồn ấy chỉ cháy bỏng niềm mong ước đem lại cho nhân dân cuộc sống giàu đủ. Niềm mong mỏi nhân dân “khắp nơi không một tiếng hờn giận oán sầu” chính là minh chứng cho nhân cách trong sáng tuyệt vời của Nguyễn Trãi.Bảo kính cảnh giới – bài học lớn từ thiên nhiên giúp Nguyễn Trãi răn mình, chứa đựng bao tình cảm yêu đời yêu sự sống. Ta nhận ra một tâm hồn nghệ sĩ – chiến sĩ của Ức Trai tiên sinh. Tấm lòng “sáng tựa sao Khuê” ấy vẫn tỏa sáng đến tận hôm nay.

8. Cảm nghĩ về một người thân yêu nhất.

Cảm nghĩ về Bố:

Trong cuộc sống hàng ngày, có biết bao nhiêu người đáng để chúng ta thương yêu và dành nhiều tình cảm. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng, người thân yêu nhất của bạn là ai chưa? Với mọi người câu trả lời ấy có thể là ông bà, là mẹ, là anh chị hoặc cũng có thể là bạn bè chẳng hạn. Còn riêng tôi, hình ảnh người bố sẽ mãi mãi là ngọn lửa thiêng liêng, sưởi ấm tâm hồn tôi mãi tận sau này.

Bố tôi không may mắn như những người đàn ông khác. Trong suốt cuộc đời bố có lẽ không bao giờ được sống trong sự sung sướng, vui vẻ. Bốn mươi tuổi khi chưa đi được nửa chặng đời người, bố đã phải sống chung với bao nhiêu bệnh tật: Đầu tiên đó chỉ là những cơn đau dạ dày, rồi tiếp đến lại xuất hiện thêm nhiều biến chứng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bao giờ bố cũng rất phong độ.

Thế nhưng bây giờ, vẻ đẹp ấy dường như đã dần đổi thay: Thay vì những cánh tay cuồn cuộn bắp, giờ đây chỉ còn là một dáng người gầy gầy, teo teo. Đôi mắt sâu dưới hàng lông mày rậm, hai gò má cao cao lại dần nổi lên trên khuôn mặt sạm đen vì sương gió. Tuy vậy, bệnh tật không thể làm mất đi tính cách bên trong của bố, bố luôn là một người đầy nghị lực, giàu tự tin và hết lòng thương yêu gia đình.

Gia đình tôi không khá giả, mọi chi tiêu trong gia đình đều phụ thuộc vào đồng tiền bố mẹ kiếm được hàng ngày. Dù bệnh tật, ốm đau nhưng bố chưa bao giờ chịu đầu hàng số mệnh. Bố cố gắng vượt lên những cơn đau quằn quại để làm yên lòng mọi người trong gia đình, cố gắng kiếm tiền bằng sức lao động của mình từ nghề xe lai.

Đọc thêm:  Đoạn mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hàng ngày, bố phải đi làm từ khi sáng sớm cho tới lúc mặt trời đã ngã bóng từ lâu. Mái tóc bố đã dần bạc đi trong sương sớm. Công việc ấy rất dễ dàng với những người bình thường nhưng với bố nó rất khó khăn và gian khổ. Bây giờ có những lúc phải chở khách đi đường xa, đường sốc thì những cơn đau dạ dạy của bố lại tái phát.

cam nghi ve nguoi than yeu nhat

Cảm nghĩ về người thân yêu nhất, Văn mẫu lớp 10

Và cả những ngày thời tiết thay đổi, có những trưa hè nắng to nhiệt độ tới 38-48 độ C, hay những ngày mưa ngâu rả rích cả tháng 7, tháng 8, rồi cả những tối mùa đông lạnh giá, bố vẫn cố gắng đứng dưới những bóng cây kia mong khách qua đường. Tôi luôn tự hào và hãnh diện với mọi người khi có được một người bố giàu đức hy sinh, chịu thương, chịu khó như vậy.

Nhưng có phải đâu như vậy là xong. Mỗi ngày bố đứng như vậy thì khi trở về những cơn đau quằn quại lại hành hạ bố. Nhìn khuôn mặt bố nhăn nhó lại, những cơn đau vật vã mà bố phải chịu đựng, tôi chỉ biết òa lên mà khóc. Nhìn thấy bố như vậy, lòng tôi như quặn đau hơn gấp trăm ngàn lần. Bố ơi, giá như con có thể mang những cơn đau đó vào mình thay cho bố, giá như con có thể giúp bố kiếm tiền thì hay biết mấy? Nếu làm được gì cho bố vào lúc này để bố được vui hơn, con sẽ làm tất cả, bố hãy nói cho con được không?

Những lúc ấy, tôi chỉ biết ôm bố, xoa dầu cho bố, tôi chỉ muốn với bố đừng đi làm nữa, tôi có thể nghỉ học, như vậy sẽ tiết kiệm được chi tiêu cho gia đình, tôi có thể kiếm được tiền và chữa bệnh cho bố. Nhưng nếu nhắc đến điều đó chắc chắn là bố sẽ buồn và thất vọng ở tôi nhiều lắm.

Bố luôn nói rằng bố sẽ luôn chiến đấu. Chiến đấu cho tới những chút sức lực cuối cùng để có thể nuôi chúng tôi ăn học thành người. Bố rất quan tâm đến việc học của chúng tôi. Ngày xưa bố học rất giỏi nhưng nhà nghèo bố phải nghỉ học. Vào mỗi tối, khi còn cố gắng đi lại được, bố luôn bày dạy cho mấy chị em học bài.

Trong những bữa cơm bố thường nhắc chúng tôi cách sống, cách làm người sao cho phải đạo. Tôi phục bố lắm, bố thuộc hàng mấy nghìn câu Kiều, hàng trăm câu châm ngôn, danh ngôn nổi tiếng…

Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng tự giác học tập. Tôi sẽ làm một bác sĩ và sẽ chữa bệnh cho bố, sẽ kiếm tiền để phụng dưỡng bố và đi tiếp những bước đường dở dang trong TS của bố. Tôi luôn biết ơn bố rất nhiều, bố đã dành cho tôi một con đường sáng ngời, bởi đó là con đường của học vấn, chứ không phải là con đường đen tối của tiền bạc. Tôi sẽ luôn lấy những lời bố dạy để sống, lấy bố là gương sáng để noi theo.

Và tôi khâm phục không chỉ bởi bố là một người giỏi giang, là một người cao cả, đứng đắn, lòng kiên trì chịu khó mà còn bởi cách sống lạc quan, vô tư của bố. Mặc dù những thời gian rảnh rỗi của bố còn lại rất ít nhưng bố vẫn trồng và chăm sóc khu vườn trước nhà để cho nó bao giờ cũng xanh tươi.

Những giỏ phong lan có bao giờ bố quên cho uống nước vào mỗi buổi sáng; những cây thiết ngọc lan có bao giờ mang trên mình một cái lá héo nào? Những cây hoa lan, hoa nhài có bao giờ không tỏa hương thơm ngát đâu? Bởi đằng sau nó luôn có một bàn tay ấm áp chở che, chăm sóc, không những yêu hoa mà bố còn rất thích nuôi động vật.

Tuy nhà tôi bao giờ cũng có hai chú chó con và một chú mèo và có lúc bố còn mang về những chiếc lồng chim đẹp nữa. Và hơn thế, trong suốt hơn năm năm trời chung sống với bệnh tật, tôi chưa bao giờ nghe bố nhắc đến cái chết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc trốn tránh sự thật, bố luôn đối mặt với tử thần”, bố luôn dành thời gian để có thể làm được tất cả mọi việc khi chưa quá muộn.

Nhưng cuộc đời bố bao giờ cũng đầy đau khổ, khi mà cả gia đình đã dần khá lên, khi các chị tôi đã có thể kiếm tiền, thì bố lại bỏ chị em tôi, bỏ mẹ, bỏ gia đình này để ra đi về thế giới bên kia. Bố đi về một nơi rất xa mà không bao giờ được gặp lại. Giờ đây khi tôi vấp ngã, tôi sẽ phải tự đứng dậy và đi tiếp bằng đôi chân của mình, bởi bố đi xa, sẽ không còn ai nâng đỡ, che chở, động viên tôi nữa.

Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta.

Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.

9. Cảm nghĩ về một tác phẩm nổi bật đã học.

Truyện ngắn Lão Hạc

Chúng ta đã từng học qua những truyện ngắn như Lão Hạc, Tắt đèn và chắc không mấy ai trong số chúng ta lại không trầm trồ thán phục tài năng nghệ thuật của Nam Cao hay Ngô Tất Tố. Với riêng tôi, dù đã đọc đi đọc lại truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao rất nhiều lần nhưng dường như lần nào tôi cũng lại tìm thấy thêm được một vài điều lý thú. Nó cuốn hút tôi, lay động tôi, khi thì gợi trong tôi sự căm thù, khi lại gọi về chan chứa những yêu thương.

Lão Hạc là sản phẩm của một tấm lòng nhân đạo cao cả. Nó là tình yêu thương, là sự ngợi ca, trân trọng người lao động của Nam Cao. Giống như Ngô Tất Tố cùng nhiều nhà văn thời đó, Nam Cao đã dựng lên hình ảnh người nông dân Việt Nam trước Cách mạng với những phẩm chất đáng quý, đáng yêu: chăm chỉ, cần cù, giàu tình yêu thương và giàu đức hy sinh.Trước cách mạng, Nam Cao say sưa khám phá cuộc sống và tính cách của người nông dân. Trong các tác phẩm của ông, môi trường và hoàn cảnh sống của nhân vật chính thường gắn liền với cái nghèo, cái đói, với miếng ăn và với các định kiến xã hội đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ vào cách nhìn của con người ở nông thôn.

Lão Hạc cũng vậy, suốt đời sống trong cảnh nghèo và cái đói. Lão đã dành hầu như cả đời mình để nuôi con mà chưa bao giờ nghĩ đến mình. Lão thương con vô bờ bến: thương khi con không lấy được vợ vì nhà ta nghèo quá, thương con phải bỏ làng, bỏ xứ mà đi để ôm mộng làm giàu giữa chốn hang hùm miệng sói. Và đọc truyện ta còn thấy lão đau khổ biết nhường nào khi phải bán đi cậu Vàng, kỷ vật duy nhất của đứa con trai. Không bán, lão biết lấy gì nuôi nó sống. Cuộc sống ngày thêm một khó khăn. Rồi cuối cùng, đến cái thân lão, lão cũng không giữ được. Lão ăn củ chuối, ăn sung luộc. Nhưng lão nghĩ, lão “không nên” sống nữa. Sống thêm, nhất định lão sẽ tiêu hết số tiền dành dụm cho đứa con mình. Vậy là, thật đớn đau thay! Lão Hạc đã phải tự “sắp xếp” cái chết cho mình. Cuộc sống của nông dân ta trước cách mạng ngột ngạt đến không thở được. Nhìn cái hiện thực ấy, ta đau đớn, xót xa. Ta cũng căm ghét vô cùng bọn địa chủ, bọn thực dân gian ác.

Lão Hạc chết. Cái chết của lão Hạc là cái chết cùng đường, tuy bi thương nhưng sáng bừng phẩm chất cao đẹp của người nông dân. Nó khiến ta vừa cảm thương vừa nể phục một nhân cách giàu tự trọng. Lão chết nhưng đã quyết giữ cho được mảnh vườn, chết mà không muốn làm luỵ phiền hàng xóm.

Đọc Lão Hạc ta thấy đâu phải chỉ mình lão khổ. Những hạng người như Binh Tư, một kẻ do cái nghèo mà bị tha hoá thành một tên trộm cắp. Đó là ông giáo, một người trí thức đầy hiểu biết nhưng cũng không thoát ra khỏi áp lực của cảnh vợ con rách áo, đói cơm. Cái nghèo khiến ông giáo đã phải rứt ruột bán đi từng cuốn sách vô giá của mình. Nhưng cái thứ ấy bán đi thì được mấy bữa cơm? Vậy ra ở trong truyện tất cả đã đều là lão Hạc. Lão Hạc phải oằn mình mà chết trước thử hỏi những người kia có thể cầm cự được bao lâu?

Vấn đề nổi bật được thể hiện trong Lão Hạc là niềm tin và sự lạc quan của nhà văn vào bản chất tốt đẹp của con người. Thế nhưng điều quan trọng hơn mà nhà văn muốn nhắn gửi đó là một lời tố cáo. Nó cất lên như là một tiếng kêu để cứu lấy con người. Từ chiều sâu của nội dung tư tưởng, tác phẩm nói lên tính cấp bách và yêu cầu khẩn thiết phải thay đổi toàn bộ môi trường sống để cứu lấy những giá trị chân chính và tốt đẹp của con người.

Lão Hạc cho ta một cái nhìn về quá khứ để mà trân trọng nhiều hơn cuộc sống hôm nay. Nó cũng dạy ta, cuộc sống là một cuộc đấu tranh không phải chỉ đơn giản là để sinh tồn mà còn là một cuộc đấu tranh để bảo toàn nhân cách.

10. Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du.

Đề tài người phụ nữ ít được các nhà thơ trung đại đề cập đến, ấy vậy mà đại thi hào Nguyễn Du lại viết về người phụ nữ với tất cả tấm lòng trân trọng, thương yêu. Bên cạnh kiệt tác thơ Nôm “Truyện Kiều” viết về người phụ nữ trong xã hội phong kiến, thì bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” là một sáng tác xuất sắc bằng chữ Hán viết về đề tài này.

Nguyễn Du sáng tác bài thơ trong một lần đi sứ sang Trung Quốc cho triều Nguyễn. Bài thơ tên chữ Hán là “Độc Tiểu Thanh kí” đã gợi ra nhiều cách hiểu. Có ý kiến cho rằng đó là Nguyễn Du đọc tập truyện viết về cuộc đời nàng Tiểu Thanh, cảm thương cho số phận người phụ nữ tài hoa bạc mệnh mà viết bài thơ này. Lại có ý kiến khác cho là Nguyễn Du đã được đọc tập thơ của nàng Tiểu Thanh để lại và ngưỡng mộ, xót thương cho cuộc đời nàng. Dù hiểu theo cách nào thì ta đều thấy trên hết đó là tấm lòng thấm đẫm tình đời, tình người của nhà thơ.

Tiểu Thanh là một cô gái thông minh, xinh đẹp, có tài thơ phú, sống vào đầu thời Minh ở Trung Quốc, cách Nguyễn Du 300 năm. Nàng bị gia đình ép gả làm vợ lẽ cho một nhà quyền quý. Do vợ cả ghen ghét, đố kị nàng bị đẩy ra sống riêng ở Cô Sơn, cạnh vườn hoa Tây Hồ. Hằng ngày nàng chỉ còn biết làm bạn với thơ, rồi lâm bệnh và chết trong cô đơn khi mới 18 tuổi. Số thơ văn mà nàng để lại bị vợ cả đốt gần hết, chỉ còn sót lại một số bài sau này người ta sưu tầm lại và gọi nó là “phần dư”.

Cảm hứng xuyên suốt bài thơ là tấm lòng đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với số phận nàng Tiểu Thanh. Cũng từ sự đồng cảm sâu sắc đó, ông nhận ra những bất công ngang trái của cuộc đời và thương người,…(Còn tiếp).

>> Xem chi tiết văn mẫu Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du tại đây

-HẾT-

Qua danh sách tuyển tập những bài văn mẫu lớp 10 hay nhất trên đây các bạn học sinh lớp 10 đã phần nào nắm bắt được vấn đề cũng như hiểu rõ hơn về cách viết văn đối với từng thể loại. Những bài văn mẫu hay lớp 10 còn thể hiện được trình tự sắp xếp câu từ cũng như vấn đề sử dụng ngôn ngữ sao cho hợp lý nhất, góp phần nâng cao trình độ làm văn cũng như lời văn trở nên trau chuốt và mượt mà hơn.

Bên cạnh những bài văn mẫu hay lớp 10 này còn có những bài văn hay lớp 10 nâng cao và cơ bản giúp các em học sinh lớp 10 có thể dễ dàng tham khảo được những bài văn mẫu lớp 10 từ bài viết số 1, bài viết số 2 đến bài viết số 3 của từng học kì 1 và học kì 2. Các bài văn mẫu 10 hay này nhưng chi mang tính chất tham khảo và bổ trợ kiến thức, chính vì thế khi học tập và làm văn các em học sinh không nên quá lạm dụng lấy văn mẫu là của mình sẽ gây ảnh hưởng tới quá trình rèn luyện và học tập của bản thân.

Để học tốt ngữ văn 10 hay có thể làm được những bài văn hay, ngoài việc tham khảo văn mẫu hay lớp 10 thì các bạn học sinh cũng nên chăm chỉ rèn luyện, đọc thêm tài liệu và trau dồi vốn sống, kiến thức xã hội đời sống thật nhiều để có thể viết văn được hay và chân thực nhất. Trong quá trình viết văn cần có sự sáng tạo và lời văn cần rõ ràng vì thế khi làm bài tập làm văn lớp 10 các bạn cần lập dàn ý chi tiết, đưa ra những ý chính để có thể lựa chọn được thông tin cần viết cho bài văn trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.

https://thuthuat.taimienphi.vn/van-mau-lop-10-29739n.aspx Ngoài ra còn rất nhiều những tài liệu hữu ích khác ngoài tổng hợp các bài văn mẫu lớp 10 hay nhất các bạn hãy cùng tham khảo chi tiết các bài soạn văn lớp 10 hay tài liệu giải bài tập văn 10 được cập nhật chi tiết trên Taimienphi.vn để ứng dụng cho quá trình học tập và giảng dạy của mình tốt nhất. Bên cạnh Để học tốt ngữ văn 10 các em hcoj sinh cũng có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu nội dung học tập có liên quan khác như văn mẫu lớp 12, với các bài văn mẫu lớp 12 hay và chọn lọc nhất sẽ giúp ích cho quá trình học tập của các em học sinh, mọi người cùng tham khảo nhé.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button