Vai trò của già làng trong xã hội hiện nay – Báo Bình Phước

Cần xác định rõ tuổi của già làng

Trước hết, phải thống nhất quan điểm, dù đặc điểm xã hội của mỗi tộc người có khác nhau (phụ hệ hay mẫu hệ, vai trò của đàn ông hay phụ nữ), nhưng già làng không phải là người già, người lớn tuổi thông thường, mà là những người có tuổi tác, có uy tín, nhiều kinh nghiệm, có địa vị kinh tế – xã hội, am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình và một số dân tộc khác. Vì vậy, việc xác định rõ tuổi của già làng là một trong những tiêu chí quan trọng để tạo sự ảnh hưởng của già làng đối với cộng đồng. Trong xã hội truyền thống, dù cộng đồng không nói rõ già làng phải từ bao nhiêu tuổi nhưng cộng đồng có đề cập đến đó là người “cao tuổi”, do đó dựa vào văn hóa truyền thống chúng ta hiểu được già làng là người lớn tuổi.

Năm 1943, chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương ban hành Sắc lệnh số 1396 ngày 15-7-1943 thành lập tòa án làng (tòa án phong tục) để giải quyết, xét xử những vụ tranh tụng trong nội bộ người dân tộc thiểu số ở Đông Dương. Theo đó, từ năm 1943-1954, Tòa án làng S’tiêng được thành lập, cơ cấu của tòa án làng gồm: “chủ làng và 2 già làng” (Ngô Đức Thịnh (2007), Những mảng màu văn hóa Tây Nguyên, tr. 389-390). Luật tục S’tiêng “Coutumier Stiêng” của Th. Gerber công bố năm 1951, trong đó: “Chủ làng S’tiêng là người đàn ông có tuổi, mạnh khỏe, từng trải và có kinh nghiệm trong cuộc sống, sản xuất; có đạo đức và uy tín trong làng” và những già làng “bu kuông” là người có “tuổi” (Ngô Đức Thịnh (2007), tr.370, tr.378). Năm 2016, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và xuất bản sách “Tri thức bản địa của các tộc người thiểu số ở Đông Nam Bộ trong tiến trình phát triển xã hội ở Việt Nam”. Nhóm nghiên cứu đã có nhiều cuộc phỏng vấn sâu người dân tộc thiểu số ở Đông Nam Bộ. Về tiêu chí tuổi già làng, những người được phỏng vấn đều có chung quan niệm, già làng phải “từ 60 tuổi trở lên” (Ngô Văn Lệ và các tác giả khác (2016), tr.258-259).

Đọc thêm:  Gợi ý cuộc thi tìm hiểu Bác Hồ với Vĩnh Phúc - Download.vn

Già làng Điểu Đố ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng cho rằng: “Già làng phải biết nói cho mọi người cùng nghe, biết làm gương trong sản xuất cũng như trong ứng xử với mọi người” – Ảnh: Điểu Điều (chụp ngày 26-3-2019)

Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi: “là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên”. Vì vậy, việc quy định tuổi của già làng từ đủ 60 tuổi là cần thiết. Trong Báo cáo kết quả giám sát số 32/BC-HĐND-DT ngày 13-4-2021 của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, ban đã kiến nghị UBND tỉnh: “cần nghiên cứu quy định độ tuổi tối thiểu của già làng thấp nhất từ 60 tuổi trở lên”.

Tại Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 17-12-2021 của UBND tỉnh Bình Phước không quy định rõ tuổi của già làng nên việc lựa chọn già làng theo cảm tính của trưởng ban công tác mặt trận thôn, ấp, nhầm lẫn với người uy tín. Già làng là đối tượng đặc thù riêng liên quan đến tổ chức xã hội truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, khác với người uy tín (N’Trang Lơng, Đinh Núp – Anh hùng Núp, Điểu Mốt, Điểu Môn… họ là những người thủ lĩnh kêu gọi cộng đồng chống Pháp nhưng không phải là già làng). Trong danh sách phê duyệt già làng năm 2023 có 17 già làng tuổi dưới 60, có trường hợp “già làng” Hoàng Văn Khoắn (Bù Đốp) sinh năm 1982. Tính từ năm 2018-2023 thì có 88 trường hợp già làng dưới 60 tuổi.

Một nguyên nhân quan trọng là cấp xã, thôn, ấp và bản thân “người được chọn làm già làng” chưa hiểu già làng là người như thế nào. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6-3-2018 của Thủ tướng Chính phủ “về tiêu chí lựa chọn, công nhận người có uy tín và chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”, thì già làng là một đối tượng để lựa chọn thành người uy tín. Vì vậy, hiện nay trong cả nước, nhiều tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn tỉnh Bình Phước, tổ chức xã hội truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các tỉnh đó giống như người S’tiêng, M’nông… ở Bình Phước, nhưng các tỉnh đó chỉ thực hiện Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg. Việc xác định già làng chỉ là nam hay cả nữ cũng cần được đề cập, điều này tùy thuộc vào đặc điểm xã hội phụ hệ hay mẫu hệ của người được chọn làm già làng. Không vì máy móc, vì sự “bình đẳng” mà lựa chọn già làng không phù hợp với văn hóa truyền thống của họ.

Đọc thêm:  Xếp hạng top 5 Seiyuu nổi tiếng nhất là gì? - Xuất khẩu lao động

Hướng dẫn, theo dõi già làng thực hiện nhiệm vụ cụ thể

Hiện nay, nhiều thôn, ấp vừa có người có uy tín vừa có già làng nhưng địa phương không xác định và phân công rõ nhiệm vụ nào là của người có uy tín, của già làng nên sự tham gia đóng góp của họ cho thôn, ấp không rõ ràng. Hoặc người có uy tín đồng thời là già làng nhưng địa phương không hướng dẫn rõ nhiệm vụ nào thực hiện với vai trò của người có uy tín, nhiệm vụ nào với vai trò của già làng nên cộng đồng rất khó nhận xét, đánh giá. Trong Quyết định số 45/2021/QĐ-UBND ngày 17-12-2021 của UBND tỉnh, chưa có quy định rõ việc hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi hoạt động của già làng, định kỳ già làng phải báo cáo với trưởng thôn, ấp, trưởng ban công tác mặt trận và cộng đồng. Qua giám sát, nhiều địa phương không có văn bản chỉ đạo thôn, ấp để hướng dẫn già làng một cách cụ thể. Đặc biệt là hướng dẫn già làng xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trên cơ sở nhiệm vụ của thôn, ấp, tình hình thực tế địa bàn. Vì vậy, nếu không hướng dẫn cụ thể thì già làng không biết mình phải làm gì, nhất là với những thôn, ấp vừa có già làng vừa có người có uy tín, không biết ai làm gì, phối hợp ra sao?

Đọc thêm:  2023 Hủ Tục Là Gì? Phân Biệt Phong Tục Và Hủ Tục - Hồng Thái AD

Trên cơ sở kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của già làng, lãnh đạo cấp xã, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn cần theo dõi, kiểm tra hoạt động của già làng, cuối năm nhận xét, góp ý, đánh giá kết quả hoạt động cụ thể. Bên cạnh đó, hiện nay một số già làng thực hiện chưa tốt vai trò của mình, đặc biệt là đối với công tác vận động đồng bào không tảo hôn, không thách cưới, vận động thanh niên không mắc các tệ nạn xã hội… Có trường hợp già làng còn đi dự những tiệc cưới tảo hôn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của thôn, ấp mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh cá nhân già làng, vì cộng đồng thấy già làng không tuyên truyền mà còn hưởng ứng.

Trước yêu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là sự ổn định và đồng bộ của hệ thống chính trị ở thôn, ấp; già làng không có quyền thay thế vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, đoàn thể ở thôn, ấp; già làng không thể lấy luật tục để thay thế pháp luật của Nhà nước…; để duy trì hoạt động cho già làng, việc nhìn nhận thực tế hơn vai trò của già làng trong xã hội hiện nay là cần thiết. Để cộng đồng chia sẻ với già làng, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có trách nhiệm hơn trong việc chỉ đạo, hướng dẫn thôn, ấp lựa chọn già làng thực sự tiêu biểu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình hiện nay; mặt khác, bản thân già làng phải nỗ lực. Không vì hình thức, muốn đủ cơ cấu mà lựa chọn những già làng không đúng với văn hóa truyền thống, không đáp ứng yêu cầu của cộng đồng.

Đánh giá bài viết

Theo dõi chúng tôi www.hql-neu.edu.vn để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!!!

Dustin Đỗ

Tôi là Dustin Đỗ, tốt nghiệp trường ĐH Harvard. Hiện tôi là quản trị viên cho website: www.hql-neu.edu.vn. Hi vọng mọi kiến thức chuyên sâu của tôi có thể giúp các bạn trong quá trình học tập!!!

Related Articles

Back to top button